01/04/2019 06:28

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu báo cáo Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với Già hóa dân số tại Việt Nam

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu báo cáo “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với Già hóa dân số tại Việt Nam”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Uỷ ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Trung ương Hội NCT Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, hội; chuyên gia các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quốc tế .... Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền; Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Đàm Hữu Đắc tham dự hội thảo. Đây là hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với Già hóa dân số tại Việt Nam”, cung cấp thêm thông tin về vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam và định hướng chính sách trong thời gian tới.

 

Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam

Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu khai mạc hội thảo


Báo cáo tại hội thảo cho biết: Già hóa dân số đã và đang nổi lên như một xu hướng nhân khẩu học chiếm ưu thế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, già hóa dân số cũng là xu hướng ngày càng tăng đáng kể từ đầu thế kỷ. Trong tổng dân số 76,3 triệu người, tổng điều tra dân số năm 1999 đã thống kê có 6,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 8,1% tổng dân số Việt Nam. Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy tỷ lệ NCT đã tăng lên 8,6 %, tăng 0,5 điểm phần trăm trong 10 năm. Điều tra dân số giữa kỳ năm 2014 đã ước tính NCT chiếm 10,2 tổng dân số của cả nước, với mức tăng 1,6 điểm phần trăm trong 5 năm. Những bằng chứng từ các cuộc điều tra cho thấy rõ ràng là già hóa dân số đang tăng nhanh. Dự đoán cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nhanh  và đến năm 2035 gần một phần tư người Việt Nam sẽ là từ 60 tuổi trở lên. Báo cáo cũng đề xuất tầm nhìn dài hạn của chính sách nhằm đảm bảo cải thiện liên tục chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là NCT hiện tại cũng như trong tương lai và hướng tới sự già hóa thành công. Báo cáo cũng xác định hai mục tiêu để đạt được tầm nhìn dài hạn của chính sách, chiến lược thích ứng với già hóa dân số đó là: Đảm bảo sự hòa nhập xã hội của NCT bằng cách tạo cho họ cơ hội có một cuộc sống sung túc, lành mạnh, tích cực và độc lập, không bị nghèo đói và bị lạm dụng; chuẩn bị cho những người trẻ tuổi bước vào tuổi già với sự tự tin và thái độ tích cực với sức khỏe tốt và tài chính ổn định.

 

Quang cảnh hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Việc thích ứng với già hóa dân số, không chỉ đáp ứng mong đợi và nhu cầu của NCT mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến toàn bộ các nhóm dân số khác. Các chính sách hiện tại của Việt Nam chủ yếu nhằm hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của NCT. Do vậy cần có một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề già hóa dân số hiện tại ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và NCT, cần phải xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung nhằm đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực.

Tại hội thảo, bên cạnh báo cáo kết quả nghiên cứu về “Hướng tới xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số Việt Nam 2020-2030, tầm nhìn đến 2035”, tham luận được các tác giả trình bày là những vấn đề có liên quan đến già hóa dân số và chính sách như: Định hướng chính sách về sửa Luật NCT và Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Thích ứng với già hóa dân số: cách tiếp cận theo vòng đời và kinh nghiệm quốc tế… Các đại biểu đã tích cực thảo luận, chia sẻ về một số bài học và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu già hóa tích cực, già hóa khỏe mạnh đối với mọi NCT Việt Nam.